Ông Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt - Ảnh: Bộ Công an
Ông Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt - Ảnh: Bộ Công an
Hội đồng xét xử tuyên phạt ông Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt (phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) bị tuyên phạt 36 tháng tù cùng tội danh trên.
13 bị cáo còn lại, gồm lãnh đạo, nhân viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 2 công ty kiểm toán bị tuyên phạt thấp nhất 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 30 tháng tù
Chủ tịch Tân Hoàng Minh lãnh 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Hội đồng xét xử đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, với số tiền đặc biệt lớn của rất nhiều người.
Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Anh Dũng thông qua bị cáo Việt là cấp dưới và là con ruột của mình, đã chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ hoạt động lừa đảo dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Từ đó nhằm huy động vốn lấy tiền, sử dụng tiền lấy được không đúng mục đích phát hành trái phiếu, chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 khách hàng.
"Bị cáo Dũng được xác định có vai trò cao nhất trong vụ án, vì vậy cần áp dụng hình phạt cao hơn các bị cáo khác", tòa nhận định.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án - Ảnh: ANH THÀNH
Bản án xác định đầu năm 2021, tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn, nợ ngân hàng gần 20.000 tỉ đồng, chưa kể 8 gói trái phiếu mà công ty đã phát hành.
Để tháo gỡ khó khăn, ông Dũng chỉ đạo con trai mình tìm cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn.
Ba công ty con được Tân Hoàng Minh dùng để phát hành trái phiếu là Công ty bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP đầu tư dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông.
Do kết quả hoạt động của cả ba công ty không đủ điều kiện phát hành, chào bán trái phiếu nên Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo thuộc cấp nghiên cứu chỉnh sửa báo cáo tài chính theo hướng không đúng với thực tế.
Từ đó, các báo cáo tài chính được "đánh bóng" tạo lãi "khống" để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Để "tạo niềm tin cho người dân", ông Dũng chỉ đạo thuộc cấp sử dụng pháp nhân của ba công ty con ngụy tạo ra các hợp đồng kinh tế khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư.
Nhóm cũng liên hệ với một số công ty kiểm toán để "đánh bóng báo cáo tài chính" từ tình trạng làm ăn bết bát thua lỗ sang có lãi để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Với những tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý cũng được nhóm công ty thẩm định ban hành chứng thư thẩm định khi không kiểm tra...
Tân Hoàng Minh sau đó bán trái phiếu để huy động lấy tiền trả nợ, tiêu xài gần hết. Số dư trên tài khoản của Tân Hoàng Minh tại thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án chỉ là hơn 214 tỉ đồng.
Ông Dũng và các đồng phạm bị cơ quan truy tố cáo buộc thông qua phát hành trái phiếu đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 khách hàng.
Về trách nhiệm dân sự, xét ý kiến của các bị hại về việc trả lãi, HĐXX thấy đây là vụ án hình sự, nên trách nhiệm bồi thường dân sự liên quan số tiền chiếm đoạn là không có căn cứ tính lãi như các bị hại yêu cầu.
Yêu cầu này chỉ được xem xét giải quyết sau khi bản án xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo có hiệu lực pháp luật, các thiệt hại khác không liên quan số tiền chiếm đoạtcủa các bị cáo cũng không có cơ sở xem xét.
Ý kiến của bị cáo Dũng về việc đồng ý trả lãi các trái phiếu mua trước thời điểm bị khởi tố là sự tự nguyện của bị cáo, không thuộc phạm vi xử lý của vụ án này.
Toà cho rằng theo nguyên tắc bồi thường, cần yêu cầu các bị cáo liên đới bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Nhưng trong vụ án này đã chứng minh được số tiền các bị hại đã nộp đầy đủ cho Tân Hoàng Minh. Thực tế việc sử dụng số tiền này là do ông Dũng quyết định, các bị cáo khác không được hưởng lợi gì, cũng không có vai trò gì trong việc quyết định sử dụng số tiền này.
Do vậy, để đảm bảo sự công bằng cho các bị cáo, cần buộc bị cáo Dũng bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỉ đồng cho 6.630 bị hại.
Với hơn 900 triệu đồng mà 13 bị cáo khác nộp, dù không có nghĩa vụ bồi thường nhưng được xét yếu tố giảm nhẹ, tòa quyết định sung công quỹ.
Với những cá nhân tổ chức khác, từ khi cơ quan điều tra công khai kết luận điều tra đến khi xét xử, nếu không có tên trong danh sách bị hại nhưng cũng không khai báo xuất trình, sau này nếu có yêu cầu, sẽ được giải quyết trong vụ án khác.